Thể thao Việt Nam nhìn từ con số “khủng” 40 nghìn giải đấu mỗi năm

Sỹ Minh
thứ tư 27-3-2024 19:00:19 +07:00 0 bình luận
Cả nước đã có tới trên 40 nghìn giải đấu phong trào mỗi năm, trong đó ngoài bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ thì điền kinh trở thành một “mũi nhọn” hàng đầu mà chỉ tính riêng các giải marathon lớn đã lên tới con số 40. Nhiều môn mới và khó như boxing, espors hay MMA cũng hình thành được những giải đấu theo mẫu hình bán chuyên hay chuyên nghiệp với nguồn kinh phí đầu tư lớn nhờ xã hội hóa.

Năm 2022, có 168 giải đấu quốc gia và quốc tế (134 giải thể thao thành tích cao và 34 phong trào, quần chúng) do Tổng cục TDTT cùng các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức và đăng cai.  Đó là các giải đấu “xương sống” thuộc hệ thống thi đấu thường niên chính thức của ngành thể thao, và nhìn chung gần như không có sự biến động cả về số lượng, chất lượng lẫn phương thức với nguồn kinh phí hầu hết do nhà nước bao cấp. 

Hàng ngàn giải chạy đã được tổ chức trong những năm qua, minh chứng cho sự phát triển rầm rộ của thể thao Việt Nam.

Trong khi đó, những năm vừa qua, thể thao Việt Nam lại chứng kiến một sự bung nở của các giải đấu phong trào, với số lượng theo thống kê từ những cuộc đấu được cấp phép, có báo cáo, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định,  đã vượt qua con số 40 nghìn. 

Theo chuyên gia Vũ Trọng Lợi (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng, Tổng cục TDTT), con số vô cùng ấn tượng này trên thực tế còn cao hơn nhiều song đã tăng gấp đôi sau 10 năm, vượt xa mọi kế hoạch và dự báo. 

40 nghìn giải đấu đã trải khắp 4 cấp từ quốc gia cho đến cơ sở gắn với những đối tượng, địa bàn cụ thể, đa dạng, ở đủ các loại hình của trên 50 môn. Cũng theo chuyên gia Vũ Trọng Lợi, điều còn đáng nói hơn chính là mặt bằng chung các giải cũng có bước đột phá toàn diện, không chỉ về quy mô, tính quy chuẩn, mà cả chuyên môn, quảng bá. 

Đơn cử một môn như Yoga cũng đã có hệ thống giải  thường niên được triển khai không thua gì các môn thành tích cao với 3 cuộc đấu chính gồm giải vô địch quốc gia, giải các CLB quốc gia, giải trẻ quốc gia. Nhiều giải marathon và bán marathon, giải ba môn phối hợp,  đã có tính chuyên nghiệp cao, từng bước tiếp cận với chuẩn quốc tế. Esports đã có các giải đấu ngang tầm quốc tế về nhiều mặt, kể cả điều kiện công nghệ, độ khó hay mức thưởng tiền tỉ… 

Bên cạnh sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng, chất lượng của các giải đấu tập trung ở các môn truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, thì điểm nhấn đặc biệt chính là ở môn điền kinh, trên các đường chạy marathon và bán marathon.

Chuyên gia Dương Đức Thủy (Nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh, Tổng cục TDTT) cho rằng, mới chỉ cách đây 10 năm, không nhà quản lý chuyên môn nào có thể hình dung về bước tiến quá mau lẹ về mọi mặt của các giải đấu có sự giao thoa đặc sắc giữa phong trào với đỉnh cao, quốc nội và quốc tế này. 

Cho đến 2015, ngoài giải vô địch quốc gia chỉ thu hút số VĐV đếm trên đầu ngón tay, các cự li chạy dài của điền kinh Việt Nam chỉ có duy nhất giải Việt dã Tiền Phong. Tuy nhiên, khởi nguồn từ một vài cuộc đấu có quy mô nhỏ hẹp do một số địa phương phối hợp với doanh nghiệp tiến hành, chủ yếu nhằm mục đích kết nối phong trào và thử nghiệm, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn.

Giải bán marathon quốc tế đầu năm 2023 gây tiếng vang lớn.

Chính từ đó đã tạo nên một cú “hích” sâu rộng cho phong trào chạy bộ để rồi cả một phong trào lớn đã “kích cầu” trở lại các giải đấu. Nhiều giải marathon và bán marathon liên tiếp xuất hiện, ở các mức độ đều thành công, gây tiếng vang và có sức lan tỏa lớn, với những điểm khác biệt rõ ràng.

2019 có thể coi như một cột mốc quan trọng khi có tới 15 giải đấu lớn, xét trên các mặt chính có vài nghìn VĐV dự tranh, nhiều ngôi sao của ĐTQG góp mặt, kinh phí và giải thưởng đáng kể, truyền thông mạnh… Đến 2022, số giải lớn đã tăng vọt lên 40, trong đó có gần chục giải có trên 10 nghìn VĐV tham dự. Các cuộc đấu marathon và bán marathon còn trải khắp mọi miền Tổ quốc, với nhiều không gian, địa điểm, thời gian khác nhau. 

Đơn cử cuộc đấu “mở hàng” năm nay, giải Bán Marathon quốc tế Việt Nam 2023 do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Liên đoàn Điền kinh châu Á diễn ra vào đúng sáng 1/1 tại khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm cùng các tuyến phố của Thủ đô, có cả VĐV phong trào, các tuyển thủ quốc gia hàng đầu cùng một số chân chạy quốc tế tham dự. 

Chuỗi sự kiện LION Championship thu hút sự quan tâm lớn của người hâm mộ.

Cũng về sự bung nở của các giải đấu, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao UBTDTT, hiện là Trưởng ban Chuyên môn của Liên đoàn MMA Việt Nam) lại nhấn mạnh tới điểm mới có những giải ở những môn mới, khó trước đây tưởng như không thể làm được, đã được tổ chức thành công. 

Đó là những giải marathon có quy mô trên 10 nghìn VĐV, giờ có hàng chục giải. Hay những giải MMA trong hai năm gần đây, điển hình như giải MMA Lion Championship 2022 với ba vòng đấu tại ba địa điểm, tập hợp nhiều hảo thủ, được đầu tư “khủng”. Hay boxing, với những giải đấu tranh đai châu Á, rồi hệ thống sự kiện VSP Pro với 7 trận trận tranh tài đỉnh cao của 14 võ sĩ đẳng cấp… 

Sự nở rộ của các giải đấu của nhiều môn, nhiều loại hình, với kỷ lục 40 nghìn giải phong trào mỗi năm, chính là thành quả đặc biệt của thể thao Việt Nam, có được trước hết nhờ quá trình xã hội hóa sâu rộng, với sự nhập cuộc mạnh mẽ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, được thể hiện qua những trường hợp điển hình sinh động. 

Môn bóng rổ sau 11 năm hoàn toán bế tắc đã “hồi sinh” nhờ giải VBA gắn với vai trò của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự ra đời của nhiều Liên đoàn địa phương cùng hàng loạt giải đấu mới cho nhiều đối tượng. 

Hàng trăm giải marathon và bán marathon lớn nhỏ đều được xã hội hóa cả về tổ chức, kinh phí. Trong đó, riêng một cơ quan báo chí đã “làm chủ” một hệ thống 5 giải tầm cỡ mỗi năm. 

Chuỗi sự kiện VSP Pro được tổ chức bởi một doanh nghiệp,VSP Promotions. Nhìn rộng hơn, đó cũng là câu chuyện của kinh tế thể thao. Nhiều nghìn tỉ đồng đã được huy động, cùng đó là một nguồn nhận lực khổng lồ, đa dạng để có được 40 nghìn giải đấu góp phần quan trọng làm nên diện mạo sôi sổi, đa sắc của thể thao cả nước, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày một tốt nhu cầu rèn tập, giải trí của người dân, phát hiện và đào tạo nhiều tài năng thể thao. 

Nó cũng cho thấy tiềm năng to lớn về nhiều mặt, kể cả kinh tế, mà hiện nay vẫn chưa được khai thác tận dụng tốt, thậm chí còn xảy ra tình trạng tự phát và tùy hứng, đang rất cần sự tổng kết kỹ lưỡng, chiến lược và định hướng thúc đẩy, quản lý chung từ ngành thể thao.

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm