Trong tập luyện và thi đấu võ đối kháng, một trong những dụng cụ quan trọng nhất là miếng bảo vệ răng - mouth guard. Vậy làm thế nào để chọn được chiếc mouth guard phù hợp?
Sử dụng bảo vệ răng là điều rất cần thiết cho bất cứ võ sĩ nào, dù ở độ tuổi nào và năng lực ra sao. Mouth guard được thiết kế như một dụng cụ giảm sốc, phân tán lực tác động lên một bề mặt lớn hơn, từ đó làm giảm cường độ của nó. Nhờ vậy, tổn thương các võ sĩ phải chịu được giảm đi đáng kể.
Clip giới thiệu các loại mouth guard (nguồn: Pitbull Fighting)
Cụ thể hơn, mouth guard giúp bảo vệ răng, ngăn ngừa tổn thương xương và chân răng, đồng thời cũng giảm nguy cơ võ sĩ gặp phải các chấn thương nghiêm trọng như sứt mẻ hàm, xuất huyết não, bất tỉnh và chấn thương cổ. Bên cạnh đó, mouth guard cũng giữ khoảng cách giữa răng và các phần mềm ở khoang miệng, giúp loại bỏ các trường hợp rách hoặc thâm tím môi, lưỡi và má.
Một miếng bảo vệ răng lý tưởng cần phải đảm bảo những yêu cầu: không gây cản trở hô hấp và nói chuyện, cố định ở trên răng kể cả khi người đeo vận động; vừa vặn; bền; dễ lau chùi và không có mùi, vị khó chịu.
Mouth guard được dùng trong thi đấu Muay Thai, MMA, boxing sẽ dày hơn loại được dùng trong thi đấu các môn thể thao ít xô xát như bóng rổ. Với những loại mouth guard này, người dùng có thể để ý thấy sự có mặt của những lớp nhựa EVA giúp giảm chấn tốt hơn, phân tán lực hiệu quả hơn.
Hiện có hai loại mouth guard thường được bày bán trên thị trường: định hình và không định hình
Miếng bảo hộ răng định hình là loại được sản xuất hàng loạt, có thể tìm thấy ở các cửa hàng thể thao hoặc các cửa hàng thuốc, hình dáng cố định và có thể đeo luôn được.
Mặc dù có giá thành rẻ nhất nhưng bảo hộ răng định hình thường không vừa với miệng người đeo; gây cảm giác khó chịu, khả năng bảo vệ tương đối kém. Được làm từ cao su hoặc polyvinyl nên mouth guard định hình khá cồng kềnh, rất dễ gây buồn nôn, còn cản trở hô hấp và nói chuyện vì chúng cần được cố định bởi hai hàm.
Bảo vệ răng không định hình là dạng bảo vệ răng khá phổ biến cho những người tập võ đối kháng ở Việt Nam hiện nay. Mouth guard không định hình có hai loại.
Loại đầu tiên là loại được viền với gel acrylic hoặc cao su, sau khi gắn vào răng sẽ đông lại thành khuôn. Viền làm từ gel giúp mouthguard cố định trong quá trình thi đấu mà không gây khó chịu, cản trở hô hấp và nói chuyện. Gel cũng giúp chuyển hướng lực tác động khỏi vị trí tiếp xúc để bảo vệ răng.
Loại thứ hai được làm từ cao su nhiệt (còn được gọi là boil and bite) cần được bỏ vào nước sôi trước khi dùng tay, môi, lưỡi, răng tạo áp lực để lấy dấu răng. Loại này có thể bỏ vào nước sôi để định hình lại nếu như thấy chưa vừa vặn.
Mouth guard không định hình là lựa chọn khá hợp lý với mức giá tầm trung, và thường chỉ mất khoảng 10 phút để định hình miếng bảo vệ răng sao cho vừa vặn. Tuổi thọ của Mouth guard không định hình cũng khá dài, có thể lên đến 3-4 năm nếu được giữ cẩn thận.
Ngoài ra còn có loại mouth guard được thiết kế riêng (custom) nhưng buộc người dùng phải lấy dấu răng ở nha sĩ, đồng thời có giá thành rất đắt. Bù lại, custom mouth guard bám rất chắc vào hàm, đến độ người dùng không thể dùng lưỡi để gỡ nó ra được mà phải dùng tay.
Việc vệ sinh và bảo quản miếng bảo vệ răng rất quan trọng để giữ độ bền cho mouth guard.
Người dùng nên hạn chế cắn nhai miếng bảo vệ miệng quá nhiều. Nếu có thì trước mỗi khi sử dụng nên xem xét tình trạng của mouth guard có đủ tốt để bảo hộ hay không.
Sau mỗi lần sử dụng cần vệ sinh mouth guard với kem đánh răng bằng nước lạnh. Nhiệt độ cao có thể làm hỏng mouth guard, thế nên người sử dụng không nên vệ sinh bằng nước nóng, hoặc để mouth guard dưới ánh nắng trực tiếp. Bên cạnh đó, mouth guard nên được để ở những nơi thoáng đãng hoặc trong hộp nhựa khi không sử dụng.