Mặc dù là một ngôi sao lớn hiện tại, nhưng ít ai ngờ Stephen Curry từng bị nhiều đội bóng NBA “bỏ qua”.
Đến thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận tài năng của Stephen Curry. Rất nhiều nhà phân tích cũng như chính một số cầu thủ chơi bóng tại NBA coi Curry là một trong những tay ném tốt nhất lịch sử. Với hai danh hiệu MVP, 2 lần vô địch giải bóng rổ NBA cùng rất nhiều kỷ lục đã phá vỡ, có thể xem Curry là một thiên tài.
Nhưng đó là thời điểm hiện tại, hãy trở về năm 2009 tại NBA Draft, đã có tới 5 đội bỏ qua Stephen Curry. Dẫu biết rằng tài năng của Curry chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2012 và ít ai có thể thấy trước được điều đó nhưng có một câu hỏi được đặt ra là “Vì sao Curry đã bị tới 5 đội bỏ qua trong kỳ lựa chọn NBA Draft năm 2009?”.
Trước khi đến với câu trà lời, hãy cùng nhìn lại chặng đường đã qua của SC30 tại giải bóng rổ NBA.
Trong kỳ NBA Draft năm 2009, Golden State Warriors với quyền chọn thứ 7 của mình đã chọn Stephen Curry sau 3 năm anh này thi đấu tại trường Davidson, ghi trung bình 25 điểm mỗi trận với tỷ lệ ném 3 điểm thành công 41,2%.
Ngay trong mùa đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp tại NBA, Curry đã về nhì trong cuộc đua Rookie of the Year sau Tyreke Evans. Mỗi trận anh ghi trung bình 17,5 điểm, 5,9 assist với 1,9 lần cướp bóng trong hơn 36 phút thi đấu.
Một năm sau đó, anh có kỷ lục đầu tiên tại giải bóng rổ NBA khi đạt hiệu suất bắn phạt tốt nhất trong lịch sử với 93,4%. Cũng trong mùa này Curry đạt giải nhất trong cuộc thi NBA Skills Challenge tại NBA All-Star 2011.
Kết thúc mùa giải 2010-2011, mỗi trận anh ghi 18,6 điểm, tạo ra 5,8 assist trong 33 phút thi đấu. Và ngay khi mùa giải kết thúc, Curry thực hiện phẫu thuật cổ chân phải nhằm cải thiện tình trạng chấn thương mắt cá mà anh đã gặp phải khá nhiều lần trong mùa giải.
Khoảng thời gian tiếp theo, cơn bão chấn thương liên tục ập đến với ngôi sao đang lên của Golden State. Mặc dù Curry đã kịp bình phục để trở lại thi đấu ngay giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải 2011-2012 nhưng anh đã tái phát chấn thương cổ chân trong một trận đấu ngay trước thềm mùa giải.
Thi đấu ổn định không được lâu, tháng 1/2012 Curry tiếp tục bị lật cổ chân phải. Và có lẽ vì cổ chân đã khá yếu của mình, chân phải của Curry đã phải chịu lực nhiều hơn ở các vùng khác.
Một tháng sau, vào tháng 2, Curry đã bị giãn gân ở chân phải và phải nghỉ thi đấu vài trận. Và cuối cùng, Curry chính thức kết thúc mùa giải đầy chấn thương với thêm một lần phẫu thuật nữa vào tháng 04/2012. Cả mùa, Steph chỉ thi đấu 26 trên tổng số 82 trận, ghi trung bình 14,7 điểm mỗi trận.
Mặc dù chấn thương liên miên, Golden State quyết định mạo hiểm và gia hạn hợp đồng với Curry thêm 4 năm nữa. Tuy nhiên Steph đã đứng lên và chứng tỏ với tất cả mọi người rằng việc GSW tin tưởng anh là điều đúng đắn.
Curry cùng với người đồng đội mới Klay Thompson tạo nên cặp đôi “The Splash Brothers” khiến cho tất cả các hàng thủ đều e sợ với khả năng ném 3 điểm vượt trội.
Tại mùa này, Curry giúp GSW giành chiếc vé vào Play-off, đánh bại hạt giống số 3 Denver Nuggets ở vòng 1 trước khi để thua Spurs 4-2 tại vòng 2.
Anh ghi trung bình 22,9 điểm, 5,9 assist mỗi trận, cùng với đó kỷ lục về số quả 3 điểm thực hiện thành công nhiều nhất mùa giải. Ở mùa giải kế tiếp, Curry lần đầu tiên được chọn vào thi đấu tại NBA All-Star cho đội miền Tây. Steph kết thúc mùa giải với việc đưa GSW vào Play-off lần thứ hai liên tiếp, được chọn vào đội hình tiêu biểu ‘All-NBA Team’.
Tuy nhiên sự bùng nổ của Steph Curry chỉ mang lại thành quả bắt đầu từ mùa giải 2014-2015, khi GSW mang về Steve Kerr làm huấn luyện viên trưởng.
Kerr đã thay đổi toàn bộ hình ảnh của Warriors, mang đến một lối đánh tốc độ hơn, kéo được nhiều pha bắn rổ hơn, tạo điều kiện tối đa cho Curry cùng với Klay Thompson thể hiện khả năng bắn rổ của mình.
Đặc biệt hơn là trong chiến thuật của Steve Kerr, Curry có khả năng di chuyển linh hoạt hơn, bắn tự do và thoải mái hơn, từ đó dẫn đến một mùa giải rất thành công cho Warriors và cho cả cá nhân Stephen Curry.
Anh dẫn đầu danh sách bình chọn cho NBA All-Star, giành chức vô địch 3-Points Contest tại kỳ All-Star Weekend, phá kỷ lục 3 điểm trong mùa giải, phá luôn kỷ lục 3 điểm trong kỳ Play-off, giành giải thưởng MVP - Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Với Golden State Warriors, đội giành 67 chiến thắng trên tổng số 82 trận của mùa giải, lần lượt vượt qua New Orleans, Memphis, Houston và cuối cùng là Cleveland để dành chức vô địch NBA đầu tiên trong suốt 40 năm. Trong cả mùa giải, Curry đã phải ngồi ngoài toàn bộ hiệp 4 trong 16 trận vì… đội bóng của anh đã dẫn điểm quá xa.
Ở mùa giải sau chức vô địch, Steph tiếp tục thể hiện sự ổn định của mình. Anh cùng đồng đội tại Warriors bắt đầu mùa 2015-2016 với 24 trận thắng và không để thua trận nào.
Sau khi liên tiếp bắn cháy rổ đối phương, Warriors bước vào kỳ nghỉ giữa mùa với 48 trận thắng và chỉ để thua 4 trận, thành tích tốt nhất trong lịch sử NBA, trước khi để thất thủ ngay trên sân nhà trước Boston Celtics, cắt đứt mạch thắng 54 trận liên tiếp.
Với cá nhân Curry, anh phá sâu kỷ lục bắn 3 điểm của mình với hơn 400 quả 3 điểm trong mùa giải, gia nhập ‘Câu lạc bộ 50-40-90’ với thành tích tỷ lệ ghi điểm 50,4%, tỷ lệ ghi 3 điểm 45,4% và tỷ lệ bắn phạt 90,8%.
Mặc dù bay cao trong mùa giải nhưng Curry gặp phải chấn thương dây chằng đầu gối trong kỳ Play-off khiến anh phải nghỉ 2 tuần. Sau đó Curry trở lại mạnh mẽ, ghi 40 điểm ngay trận đầu tiên sau chấn thương, cùng ngày anh nhận giải MVP mùa thứ hai liên tiếp.
Còn kế tiếp thì có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ, Warriors dẫn Cavaliers đến 3-1 trong Series chung kết và … để thua 3 trận liên tiếp, đành nhìn LeBron cùng Kyrie nâng cúp vô địch với tỷ số 4-3 một cách đầy tiếc nuối.
Mùa này, Stephen Curry hiện đang ghi trung bình 25 điểm mỗi trận, kiến tạo 6,5 lần trong 33,5 phút thi đấu. Anh hiện dẫn đầu giải tại hai hạng mục là số quả 3 điểm ghi được (302 quả) và tỷ lệ bắn phạt (91,2% - đồng dẫn đầu với CJ McCollum).
Vì sao thiên tài ném rổ lại bị bỏ qua bởi 5 đội bóng NBA trước đó vào năm 2009?
Trở lại với câu hỏi tại sao Stephen Curry lại bị nhiều đội bỏ lỡ đến vậy: Có rất nhiều lý do, một số lý do khá rõ ràng để các đội “tránh xa” Curry trong thời điểm đó, một số lý do khác chúng ta chỉ có thể thấy được qua thời gian, đặc biệt là dưới sự phát triển cũng như thay đổi của chính giải đấu NBA.
Đầu tiên, chúng ta cùng quay lại thời đại học. Steph có một sự nghiệp bóng rổ rất thành công tại Davidson, tuy nhiên không phải bất kỳ ai thi đấu thành công ở đại học đều có thể bùng nổ tại NBA.
Bên cạnh đó, trường Davidson không phải là một môi trường ‘hay sản sinh ra các tài năng bóng rổ’, do đó Stephen Curry chắc chắn không được đánh giá cao so với các đồng nghiệp ở các trường khác.
Tiếp đến là về ngoài hình của Steph. Với cơ thể hơi “mảnh mai” của mình, ở NBA anh chỉ có thể chơi ở vị trí hậu vệ dẫn bóng (PG). Tuy vậy trong 3 năm tại Davidson, Curry chỉ chơi ở vị trí PG trong đúng 1 mùa (chỉ 1 mùa nhưng SC30 bùng nổ với khả năng phối bóng của mình).
Điều này dẫn đến việc các tuyển trạch viên có không nhiều tài liệu và cơ sở để đánh giá Curry dưới góc độ của một PG có phù hợp với NBA hay không.
Và đó chỉ là về tấn công. Về mặt phòng ngự, Curry tiếp tục bị đánh giá không cao, thậm chí là dưới trung bình vì các cầu thủ tại NBA đa phần đều cao hơn và chắc chắn to con hơn Steph.
Hai lý do trên có thể xem là hai lý do tương đối rõ ràng để Curry không được đánh giá cao tại kỳ NBA Draft. Bây giờ hãy đến với kỳ tuyển chọn NBA Draft năm 2009 xem chuyện gì đã xảy ra với Steph.
Kỳ Draft năm 2009, Stephen Curry được pick thứ 7 bởi Golden State Warriors. Nhìn lại 6 cầu thủ được pick trước đó, trong 3 pick đầu tiên có 2 pick là Blake Griffin (No.1) và James Harden (No.3).
Không có gì phải bàn cãi về cái tên Blake Griffin, anh là một tiền đạo với phong cách thi đấu bùng nổ, sẵn sàng tấn công rổ và úp rổ trên đầu bất kỳ ai. Lối đánh mạnh mẽ và đầy thể lực của Griffin chắc chắn khiến anh thành một cầu thủ không ai muốn bỏ qua.
Tiếp đến là James Harden, một hậu vệ ghi điểm gần như tốt nhất của năm. Anh không chỉ ghi điểm hay mà còn có thể chuyền bóng, tạo điều kiện cho đồng đội ghi điểm tốt không kém.
Đó là lý do tại sao cho đến nay, Harden vẫn đang dẫn đầu danh sách kiến tạo, đứng thứ 2 trong danh sách ghi điểm chỉ sau Russell Westbrook.
Cả Harden và Griffin đều đã lên đến tầm siêu sao và nhiều nhà phân tích cũng như các đội bóng đã thấy trước được điều này ngay từ NBA Draft.
Xen vào giữa Griffin và Harden là pick thứ 2 - Hasheem Thabeet. Cầu thủ có chiều cao khủng nguời Tanzania này ngoài ngoại hình vượt trội, anh không thể hiện được chiều sâu qua phong cách thi đấu. Đó là lý do tại sao trong 2 mùa đầu tiên tại NBA, anh đã bị đẩy xuống D-League đến 2 lần.
Tiếp đến là Pick thứ 4 - Tyreke Evans. Evans là một cầu thủ đa năng có thể chơi ở cả vị trí hậu vệ dẫn bóng và hậu vệ ghi điểm. Với phong cách chơi được đánh giá là tương đương với Derrick Rose (Draft năm 2008 và trở thành Rookie of the Year), Tyreke Evans được đưa vào danh sách bình chọn cho cầu thủ xuất sắc nhất năm của NCAA.
Với sự ổn định của mình, Evans giành danh hiệu Rookie of the Year trong mùa đầu tiên tại NBA. Trong toàn bộ 6 pick trước Curry thì Evans được so sánh với Curry nhiều nhất với rất nhiều chỉ số tương đồng.
Tuy nhiên việc nhiều đội sẽ ưu tiên chọn Evans hơn là điều dễ hiểu vì Evans cao hơn, dày người hơn và đặc biệt là Evans nhỏ hơn Steph một tuổi.
Và vì một lý do nào đó, Minnesota Timberwolves với tận 2 pick thứ 5 và thứ 6 trong tay đã không chọn Stephen Curry, thay vào đó là Ricky Rubio (Pick thứ 5 - hiện đang thi đấu khá hay nhưng vẫn chưa lên được tầm siêu sao) và Jonny Flynn (Pick thứ 6 - anh thi đấu không tốt và bị chuyển đi sau 2 mùa đầu tiên, sau đó xuống D-League, rồi chuyển qua Úc và hiện đang thi đấu tại châu Âu).
Ricky Rubio thi đấu rất hay và ra sân đều đặn cho tuyển Tây Ban Nha tại Olympic 2008. Rubio đã thi đấu 2 năm tại Euroleague, giành MVP tại Giải U-16 của FIBA.
Ngoài ra, anh là một tay chuyền rất cừ khôi với khả năng phòng ngự cũng tuyệt vời không kém. Vì vậy, trong khi hậu vệ trẻ 17 tuổi người Tây Ban Nha - Ricky Rubio vẫn có thể xem là một lựa chọn tốt thì Jonny Flynn lại là một lựa chọn quá tệ hại.
Điều đáng nói là Wolves tuyên bố rằng họ muốn chọn hai hậu vệ. Cho đến giờ, chắc hẳn vẫn còn nhiều fan tiếc nuối khi thấy Curry thi đấu tốt như thế nào, trong khi đó Flynn đang liên tục trôi dạt từ giải này sang giải khác.
Quay lại chính bản thân Stephen Curry. Ở bóng rổ đại học, thế mạnh lớn nhất của anh là bắn 3 điểm. Tuy nhiên ở thời điểm đó, không ai dám chắc các shooter 3 điểm từ đại học sẽ tiếp tục giữ được tỷ lệ bắn của mình tại NBA.
Bên cạnh đó còn là ngoại hình rất “mỏng” của Curry chắc chắn là một điểm trừ lớn, đặc biệt là về phòng ngự. Anh chỉ có thể được chọn để thủ các hậu vệ ít bùng nổ (rõ ràng Curry sẽ mất lợi thế trước những PG đánh mạnh mẽ như Derrick Rose hay Russell Westbrook).
Đó là lý do tại sao trong những năm thi đấu tại NBA, Curry đã phải luyện tập để phát triển về cơ thể, cải thiện khả năng bắn xa để lấy công bù thủ và đặc biệt là Curry đã luyện tập rất nhiều để trở thành một trong những cầu thủ cướp bóng tốt nhất NBA hiện nay.
Bên cạnh việc cải thiện về cơ thể, Curry còn thay đổi hoàn toàn về việc dứt điểm cận rổ. Trong các mùa giải ở đại học cũng như mùa đầu tiên tại NBA, Curry gặp rất nhiều khó khăn khi có cơ hội tiếp cận rổ.
Thân hình mỏng cùng với khả năng tấn công rổ khá kém của mình khiến Steph gặp rất nhiều khó khăn. Cách duy nhất để dứt điểm mà Curry chọn là thực hiện những pha lên rổ lắt léo, khả năng thành công thấp và phần lớn dựa vào cảm giác.
Nhưng như chúng ta thấy ngày nay, Curry đã phát triển một loạt “chiêu thức” khi tiếp cận rổ hiệu quả hơn rất nhiều: Đó là những pha thả rổ (floater), giữ người trên không để lấy lỗi hoặc những cú móc bóng rất điệu nghệ.
Cuối cùng, chúng ta hãy cùng nói đến NBA, một giải đấu mà những quả 3 điểm đang dần thay đổi cuộc chơi. Trước đây chúng ta thường nhắc đến Ray Allen, một người có những cú bắn 3 điểm thần sầu, giữ kỷ lục bắn 3 điểm của NBA cho đến khi Curry xuất hiện.
Ngày trước khi bắn 3 điểm vẫn là một chiến thuật không được sử dụng quá nhiều, những Kobe, Dirk, Melo vẫn ưa thích hơn những pha tựa lưng và bắn trong khu vực 2 điểm hay những Wade, LeBron, TMac vẫn thích lao vào trong và dứt điểm cận rổ hơn.
Giờ đây với số lượng lần bắn 3 điểm áp đảo, lên tới khoảng 20 đến 25 quả mỗi trận, bắn 3 điểm đã trở thành “nguồn sống” của không chỉ Golden State Warriors mà còn là của những Houston Rockets, Cleveland Cavaliers hay Boston Celtics.
Số lượng “thánh 3 điểm” cũng ngày càng nhiều lên với tỷ lệ thành công rất cao như Eric Gordon, James Harden (Houston), Kyle Lowry (Toronto), Kyrie Irving (Cleveland)…
Vậy việc Golden State chọn được Curry là do Wolves pick quá tệ, là do các tuyển trạch viên đã bỏ lỡ một nhân tài, là do Golden State đã tin tưởng đúng người hay chỉ đơn giản là do may mắn ? Với tất cả những lý giải bên trên, lý do là gì sẽ để bạn đọc quyết định nhé.