Từ những ngày tháng khổ ải đến nổi không có cả cung gỗ, phải dùng sợi dây cao su tập luyện, cung thủ xứ Huế Nguyễn Thị Thanh Nhi chuyển mình vươn lên trở thành niềm hy vọng vàng của bắn cung Việt Nam ở SEA Games 31.

Nguyễn Thị Thanh Nhi đang là hiện tượng của bắn cung Việt Nam khi cùng lúc giành 5 HCV ở các nội dung cá nhân cung 1 dây tại giải Cung thủ xuất sắc toàn quốc 2022. Đây là giải đấu nhằm tuyển chọn lực lượng tham dự SEA Games 31.

Thành tích mà theo ông Phan Trọng Quân, Trưởng ban chuyên môn của giải, “đây có thể là lần đầu tiên một VĐV giành 5 HCV ở các nội dung cá nhân. Thành tích này hiếm có trong lịch sử các giải đấu”.

Lỳ lợm, rắn rỏi, đầy quyết đoán trên “thao trường” nhưng cô gái sinh năm 2001 lại nhút nhát, bèn lẽn và hơi ngượng ngùng nói về bản thân. Phải cố thuyết phục mãi, Nhi mới bộc bạch một cách tự nhiên con đường đến với môn thể thao khô khan, dầm mưa dãi nắng; để giờ đây, cô đang là sự kỳ vọng của bắn cung Việt Nam ở SEA Games được tổ chức trên sân nhà vào tháng 5 tới.

“BẮN CUNG Ư? NÓ CÒN LẠ HOẮC NHƯNG LIỀU THI THEO THÔI!"

Nhi nhắc lại khi nhớ về những ngày đầu tiên đến với bộ môn còn khá mới mẻ ở miền đất kinh kỳ. Số là, năm lớp 8, lúc đó, cô bé 14 tuổi Nguyễn Thị Thanh Nhi còn đang ngồi trên ghế nhà trường ở trường THCS Đặng Văn Ngữ (Thành phố Huế).

Nhi là con út trong gia đình 5 anh em, gia đình có của ăn của để, các anh chị đều lập gia đình. Bố mẹ hết mực cưng chiều con út. Với Nhi, những ước vọng về công việc văn phòng, hay chỉ đơn giản là sáng cắp xách đi, tối cắp xách về trong suy nghĩ của cô cũng như bố mẹ.

Ấy thế, bất ngờ thay, Nhi đến với bắn cung như một cơ duyên trời định. “Lúc đó, tôi đang học thể dục, có các thầy bên trường Trung cấp TDTT tỉnh sang tìm quân. Thầy dạy thể dục của tôi bảo có môn bắn cung mới, xem ai thử sức được không.

Thú thật, tôi cũng không biết gì đâu, nó lạ lẫm lắm. Ấy vậy, các thầy lại chọn tôi. Rồi sau đó, tôi có sang xem các anh chị tập luyện. Trong đầu tự nảy lên ý nghĩ “à, môn này lạ, theo cho biết”.&rdquo

Như bao đứa trẻ ở độ tuổi 14 khác, Nhi thầm nghĩ, bắn cung cũng chỉ là cái cung trẻ con hay chơi. “Tôi nghĩ nhẹ nhàng thôi, cứ cầm lên là bắn. Hơn nữa, tôi cũng chưa chắc theo bắn cung vì các thầy kiểm tra các chỉ số rất nghiêm mới được lựa chọn”, Nhi bộc bạch.

Biết là thế nhưng cô về tâm sự với bố mẹ. Cũng như con gái, bố mẹ Nhi ngạc nhiên hỏi: “Bắn cung à? Huế làm chi có bắn cung? Bắn cung là môn thể thao như răng hè?”. Những câu hỏi dồn dập đến và Nhi hứa: “Ba mẹ cứ cho con lên đi, nếu hợp lý thì theo tập còn không thì về”.

Thế là, Nhi bắt đầu bén duyên với bắn cung, trong đầu như một trang giấy trắng. “Kệ, cứ xem thế nào, đến đâu thì đến, mình còn bé chưa nghĩ nhiều”, Nhi nhớ lại.

Thời điểm Nhi vào năm 2015 cũng là lúc, bắn cung Huế trải qua thời gian khốn khó chưa từng có. Ông Lại Đăng Quang, Trưởng bộ môn bắn cung Thừa Thiên Huế, người có công chọn Nhi theo môn mới lạ này kể: “Tôi học tennis và cũng chỉ là tay ngang chuyển sang làm bắn cung năm 2014. 

Lúc đó, dụng cụ chủ yếu đi mượn. Sau hai năm, đội có HCV quốc gia thì mới được đầu tư ba bộ cung. Tuy vậy, cung chỉ dành cho ba VĐV lứa đầu, Nhi cùng một số bạn là lứa thứ hai. Dụng cụ không có, các em chỉ tập với cao su.

5 tháng trời ròng rã như vậy, chỉ có cầm dây cao su lên, giương rồi hạ. Một, hai ngày thì vui chứ tập dài ngày cảm giác chán lắm, chỉ kéo động tác thôi chứ không được bắn, đến cả cung gỗ không có để tập”.

Thế rồi, cả thầy và trò cùng cố gắng. Chuyển hướng sang tay ngang, ông Quang cũng phải tự mình vận động. Ông nhớ lại: “Trước đó, tôi mới nhảy sang bắn cung học 5 tháng, không được tập tành gì nhiều. Mấy em ở Huế bắn được hết còn tôi không biết căn bản gì cả. Sau đó, tôi chạy quanh để học. Bắn cung Huế nghèo, cung tên cũng không có, mới vào lại chập chững, không biết nhiều thứ, thừa chỗ này nhưng thiếu chỗ kia”.

Khó khăn là thế, một số VĐV gạo cội của bắn cung Huế đành từ bỏ. Nhưng với Nhi, cô bảo: “Tôi càng có động lực để cầm cây cung như mấy anh chị”. Thế rồi, khi các chị lớn trong đội từ giã, Nhi cùng các bạn lứa sau mới có cơ hội tập với cung thật.

Ấy thế, những cây cung cũng không đủ tiêu chuẩn. Đến năm 2018, Nhi bắt đầu có thành tích với tấm HCĐ Đại hội TDTT toàn quốc. Lúc này, ông Quang bạo dạn mượn cung của đội tuyển trẻ quốc gia để học trò tập luyện. 

“Mượn mãi cũng không được, chưa kể, có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào vì nhiều đơn vị khác cũng cần”, ông Quang thổ lộ. Thế là, hai thầy trò càng quyết tâm phải giật thành tích cho bằng được. Đến năm 2019, ước nguyện về cây cung đạt chuẩn mới đến với Nhi khi lần đầu, cô cầm trên tay “vật báu” cả gần 100 triệu đồng.

HƠN 10 LẦN ĐỊNH TỪ BỎ VÀ NỖI DẰN VẶT VỚI ÔNG NỘI QUÁ CỐ

Nhi bảo rằng, lúc đầu tới thấy mấy chị cầm cung kéo rồi cũng thích, tự ngẫm “không biết bao giờ mình mới kéo được cây cung như thế này”. Nhưng rồi, khi bước vào môi trường hoàn toàn mới lạ, cô mới chợt ngộ ra, nó gian khổ, hy sinh biết dường nào.

“Tính đến nay, tôi có ý định từ bỏ đến hơn cả chục lần, cả ở tỉnh lẫn ở đội tuyển. Lúc mới vào, còn ngờ nghệch, không biết gì, thầy ra bài tập nặng, tập mệt quá cũng nản, đòi bỏ về thì bố mẹ khuyên “cố gắng, mình có cơ duyên thể thao thì nên theo tiếp”. Rồi sau đó, tôi có động lực đi tiếp”, Nhi giãi bày.

Là đứa con út được cưng chiều, yêu thương trong vòng tay bố mẹ nên khi xa gia đình, Nhi thường động lòng trắc ẩn. Cô nội tâm, dễ tủi thân, xúc động và không kìm nén giọt nước mắt. “Mỗi lần như thế, tôi nhớ nhà kinh khủng, chỉ muốn chạy về bên gia đình”, Nhi trầm lại khi nhớ về những ngày tháng tập luyện xa nhà.

Trong tâm khảm của Nhi, cô không bao giờ quên được thời khắc khó khăn của năm 2019. Đó là lúc, cô tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT Cần Thơ, với những quy định nghiêm ngặt, mỗi tuần, Nhi chỉ được phép dùng điện thoại một lần.

Cuối tháng 3 năm đó, ông nội Nhi qua đời. Cả nhà không thể liên lạc với Nhi vì chưa đến thời điểm cô được dùng điện thoại. Bố Nhi phải nhờ thầy Quang liên lạc để báo tin buồn. Nhi sụp đổ, khựng cả người và không thể tin vào mắt mình.

Cô dằn vặt, khóc sướt mướt, cảm thấy ân hận vì “tôi là người ông nội thương nhất mà. Lúc ông ra đi, không kịp nhìn cháu gái của mình lần cuối”. Nhi được phép trở về thăm gia đình khi giải đấu sắp cận kề.

“Tôi về, nói thẳng với bố mẹ, thôi con không vào lại trong kia nữa. Bố mẹ mắng, phải phấn đấu, mình theo con đường này thì phải theo. Tôi nhất quyết, nếu đi như thế, ở nhà có chuyện gì thì con cũng là đứa ở xa về, không biết chuyện gì xảy ra, con dằn vặt, khổ tâm”, Nhi kể, từng tiếng nấc vang lên, giọt nước mắt lăn dài trên má.

Cô muốn từ bỏ mọi thứ, không muốn tập luyện bất cứ gì và chỉ muốn ở bên gia đình. Cả gia đình từ bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác xúm lại động viên. Hai ngày sau ngày đưa tang ông nội, Nhi xách ba lô lên đường, trong người nặng trĩu ưu tư.

Đầu tháng 4, cô tham dự Giải cung thủ xuất sắc toàn quốc ở Hà Nội và lần đầu tiên trong đời, Nhi giành HCV. Mẹ cùng các cô gọi bảo “đó, ông nội giúp đó”.

“Đó là tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp và là bước ngoặt của tôi. Giành vàng thời điểm đó, tôi vừa vui, vừa run vì lần đầu tiên đứng bục cao như thế khi trước đó, tôi chỉ đứng ở bục bạc, đồng. Nhưng, tôi nhớ ông nội da diết, thầm cảm ơn ông”, Nhi giãi lòng.

ĐẠP CON SÓNG DỮ, VƯƠN MÌNH RA BIỂN LỚN

Đến với thể thao năm 14 tuổi, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường nên với Nhi, cô luôn tâm niệm, sự học phải đi đôi với nghiệp bắn cung. Cô biết cân bằng giữa học tập và tập luyện. Cứ hằng ngày, nếu tập buổi sáng thì Nhi sẽ học buổi chiều và ngược lại. Ngoài ra, tối thứ 2, 4 và 6 hằng tuần, cô đều tập luyện.

Cứ thế, Nhi đã tốt nghiệp cấp 3 và đang theo đuổi con đường đại học. Hình thành cho mình ý thức từ nhỏ, cô gái có nước da rám nắng với nụ cười duyên bỏ qua mọi rào cản về nhan sắc, tạo tâm lý cho bản thân khi bước vào các cuộc thi.

Từ lúc còn là cô bé, Nhi suy nghĩ: “Theo thể thao cũng có cái hay, được đi đây đi đó. Tôi cố gắng để đi các tỉnh, học hỏi nhiều điều”.

Thế là, Nhi cố gắng không ngừng nghỉ, cô gạt bỏ mọi định kiến về bản thân. “Cũng có nhiều người trêu giống đàn ông nhưng tôi không sợ gì cả. Khi đã xác định theo thể thao thì chơi hết mình, không có bước đường lùi nữa, chỉ có bước đường tiến thôi. Nếu lùi thì không được gì cả, chỉ có tiến mới có”, Nhi giãi bày.

Duyên dáng, xinh xắn nhưng với Nhi, cô không có bí quyết gì giữ nhan sắc cả. “Nếu béo quá thì tập nhiều hơn một chút để gầy lại, nếu gầy quá, ăn cho béo để có sức mà bắn. Đó cũng là cách để giữ dáng”, Nhi bảo.

Sau Nhi, ba mẹ cô luôn là hậu phương vững chắc. “Ba mẹ nói thôi đen một tí thì cũng không sao, lúc nhỏ cũng hay chạy nắng, đi đầu trần, giờ đen rồi cho đen một tí. Tôi may mắn khi theo nghiệp thể thao, được gia đình ủng hộ rất nhiều. Giải nào thi đấu, ba mẹ luôn ở đằng sau gọi động viên, bảo ban rút kinh nghiệm, xem sai gì thì nhìn vào đó, để lần sau sửa, bình tĩnh, tự tin vào bản thân”, Nhi trải lòng.

Xây dựng cốt cách cho bản thân, Nhi luôn tâm niệm: “Tôi là người sống nội tâm nhưng lại thi đấu ở môn đòi hỏi tính kiên nhẫn, dầm mưa dải nắng, tôi luôn làm mọi cách để không ảnh hưởng tâm lý. Nếu tôi cầm cái cung lên bắn thì không nghĩ bất cứ gì xung quanh”.

Cứ thế, Nhi có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp. Sau khi giành HCV đầu tiên ở Giải cung thủ xuất sắc toàn quốc ở Hà Nội vào tháng 4/2019, chỉ 4 tháng sau, cung thủ xứ Huế đoạt HCV ở giải vô địch các đội mạnh quốc gia, đồng thời phá kỷ lục quốc gia tồn tại 12 năm của “đàn chị” Nguyễn Thị Hương (Bắc Cạn).

Thanh Nhi phá kỷ lục với 352 điểm ở nội dung 30m cung 1 dây, hơn đàn chị đúng 1 điểm. Ở giải Cung thủ xuất sắc toàn quốc 2022, Nhi tạo sự bứt phá khi đoạt cùng lúc 5 HCV ở nội dung cá nhân cung 1 dây. Đó là bước tiến mang tính đột phá của cung thủ sinh năm 2001 này.

Có những bước tiến lớn song với Nhi, cô vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Giải đấu châu Á ở Bangladesh vào cuối năm 2021 mới là lần đầu tiên, Nhi “đi đánh xứ người”. “Lần đầu xuất ngoại, tôi thấy mới mẻ, lạ, hệt như lần đầu tới với bắn cung, lúc bắn tim đập nhanh hơn lúc ở nhà nhưng thỏa mãn thời điểm đầu tò mò, đi đây đi đó nhiều”, Nhi bộc bạch.

Dù vậy, qua những giải đấu, Nhi trui rèn cho mình bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu. Để rồi, mục tiêu cô hướng đến chính là sân chơi SEA Games 31 vào tháng 5 tới. Nhi thổ lộ: “Mục tiêu của tôi là học xong bằng đại học và tham dự SEA Games 31 trên sân nhà vì năm ngoái lên tuyển chuẩn bị cho giải này thì bị hoãn”. 

Ở các nội dung cung 1 dây, ngoài Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Thanh Nhi sẽ là niềm hy vọng vàng mới của bắn cung Việt Nam cho các mục tiêu giành HCV ở kỳ đại hội lần thứ 2 được tổ chức trên sân nhà.

Bài liên quan

Hotgirl Ánh Nguyệt “chốt sổ” 4 HCV, hiện tượng Thanh Nhi tạo kỳ tích bắn cung Việt Nam

Trong ngày thi đấu cuối của giải Cung thủ xuất sắc toàn quốc 2022, hotgirl Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã giành thêm 2 HCV ở các nội dung đồng đội.

Hiện tượng Thanh Nhi vượt hotgirl Ánh Nguyệt, giành 5 HCV giải bắn cung tiền SEA Games 31

Cung thủ xứ Huế Nguyễn Thị Thanh Nhi giành cả 5 tấm HCV ở các nội dung cung 1 dây giải vô địch Cung thủ xuất sắc toàn quốc 2022. Ở 5 nội dung này, Đỗ Thị Ánh Nguyệt giành HCB.

Ánh Nguyệt thi đấu dưới sức, cung thủ Thanh Nhi lập “hat-trick” HCV giải tiền SEA Games 31

Hotgirl Ánh Nguyệt không có phong độ tốt và đánh rơi hai tấm HCV vào tay cung thủ xứ Huế Nguyễn Thị Thanh Nhi ở giải vô địch Cung thủ xuất sắc QG 2022.

Quaxsmb.com Bình luận