Võ sư Châu Minh Hay được ví như cây đại thụ của làng Vovinam. Ở tuổi 68, võ sư Hay đã trải qua 40 năm tập luyện Vovinam, chứng kiến sự phát triển của bộ môn qua nhiều giai đoạn lịch sử. Ông còn được xem như một nhà nghiên cứu, một tay bút đáng kính về võ thuật với lượng kiến thức đặc sắc, phong phú ở nhiều môn võ khác nhau.
“Khi đó là khoảng năm 2009, tôi vô tình tìm được một đoạn phim tài liệu cũ sản xuất từ tận hồi 1912. Cũng lâu quá tôi không còn nhớ rõ đó là phim của nước nào, có lẽ là Nhật Bản, nhưng những ấn tượng đầu tiên về nó thì tôi nhớ mãi. Những nét đòn trong đoạn phim ấy làm tôi sửng sốt vì nó có nhiều nét giống với một số kỹ thuật Vovinam thời kỳ trước thể thao hóa, mà khi tựa phim được sản xuất thì bộ môn Vovinam thậm chí còn chưa ra đời.
Đoạn phim cũ đã đưa võ sư Châu Minh Hay tìm hiểu bộ môn Ju-jitsu
"Từ đó, tôi tìm hiểu thêm mới biết đó là bộ môn Ju-jitsu. Vì không còn nhiều tài liệu chứng minh quá trình nghiên cứu võ thuật của sáng tổ Nguyễn Lộc, tôi chỉ có thể đoán chừng rằng sáng tổ Nguyễn Lộc đã có dịp tiếp xúc với Ju-jitsu. Nói theo ngôn ngữ Vovinam, sáng tổ đã “thái dụng” kỹ năng của nhiều môn võ khác nhau vào Việt võ đạo trong suốt quá trình ngang nghiên cứu võ thuật, tiếp xúc với võ thuật Việt Nam và tranh thủ từng cơ hội tiếp xúc với các võ sư, võ sĩ nước ngoài có dịp đến Việt Nam thời kỳ đó,” võ sư Châu Minh Hay nhận định.
Luận điểm trên khá hợp lý vì suốt thời gian sáng tổ Nguyễn Lộc nghiên cứu võ thuật (từ thập niên 30 đến 60 thế kỷ trước), cả hai miền Nam Bắc đều đã có sự tiếp xúc mạnh mẽ với với người nước ngoài, từ thương nhân, quân đội, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau…
Đó cũng là con đường đem nhiều môn võ ngoại đến với đất Việt. Cũng có một số lời kể truyền miệng trong làng võ Sài Gòn rằng trong quãng thời gian đó, đã có một số người đến miền Nam truyền dạy Nhu thuật (khác với Judo – Nhu đạo) nhưng tiếc rằng họ không ở lại lâu và cũng không có thế hệ học trò kế thừa.
Phải chăng Việt Võ Đạo đã từng có một thời gian sở hữu bộ kỹ năng nhu thuật hoàn thiện, hiệu quả?
Trong khi đó, Việt võ đạo (có thể) đã tiếp thu kỹ thuật của Ju-jitsu nhưng biến chuyển phù hợp với tư duy chiến đấu riêng của mình. Vào thời kỳ thể thao hóa, cùng với hệ thống đòn vật đặc trưng, các kỹ thuật khóa siết nhu thuật không còn được phổ biến do chưa phù hợp với điều kiện an toàn thi đấu và cũng mất dần độ quan trọng trong bộ môn Vovinam.
Vậy nên, suốt quãng thời gian sau thời của sáng tổ Nguyễn Lộc đến tận những năm 2008 - 2010 (khi bắt đầu có những HLV Ju-jitsu đầu tiên đến Việt Nam), Ju-jitsu “mất tích” hoàn toàn trong làng võ Việt.
Ông Châu Minh Hay tin rằng các đòn khóa siết ngày nay trong Vovinam vốn được Tổ sư Nguyễn Lộc tiếp thu từ Ju-Jitsu cổ điển
Nói về tính thực chiến của Ju-jitsu, võ sư Châu Minh Hay bình luận:
“Tôi đã tìm hiểu từ tình huống thực tế, bản năng con người cho tới đấu trường thể thao hiện đại như MMA. Các đòn vật, khóa luôn quan trọng và mang đậm tính thực chiến. Một đứa bé từ bẩm sinh không học võ thuật, không biết đấm đá nhưng đã biết vật. Trong thi đấu MMA, khi hai người vào cận chiến, khả năng rất cao cũng sẽ là vật và khóa siết dưới đất. Vậy nên, tôi cho rằng Ju-jitsu là một môn võ thực chiến và đại diện cho tinh hoa kỹ thuật khóa siết của nền võ thuật nói chung.”
Dù tuổi đã cao nhưng võ sư Châu Minh Hay (ngoài cùng bên phải) vẫn năng nổ tham gia nhiều sự kiện phát triển bộ môn Việt Võ Đạo
Nói thêm về mối “duyên” giữa Vovinam và Ju-jitsu, vị võ sư đã trải qua nhiều thăng trầm của bộ môn Việt Võ Đạo bày tỏ sự tiếc nuối:
“Vovinam đã từng tiếp xúc và thu nhận nhiều kỹ thuật khóa siết. Chỉ tiếc rằng chúng ta không đưa nó vào hình thức đối kháng của Vovinam hiện tại vì chưa nghiên cứu được lối thi đấu an toàn. Các nhánh Vovinam nước ngoài rất được ưa chuộng vì có luật đấu tổng hợp được cả đòn tay chân, vật cổ truyền Việt Nam và kỹ năng khóa siết. Nếu Vovinam Việt Nam làm được điều tương tự, chúng ta sẽ không phí bỏ công sức nghiên cứu, ứng dụng tinh hoa võ thuật thế giới của các thế hệ sáng tổ và võ sư trước đây.”